Mở đợt cao điểm truy quét, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái từ 15/5 - 15/6
Thủ tướng đề nghị tập trung mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra từ 15/5 đến 15/6
Sáng 14/5 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua; phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc.
Tại phiên họp, đại diện các bộ ngành chức năng phân tích các phương thức, thủ đoạn phổ biến như: lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hoá quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất… để trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, qua đó xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm. Cụ thể, có trên 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Số tiền thu nộp ngân sách vượt 4.897 tỷ đồng, khởi tố gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, chú trọng ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các bộ, ngành được yêu cầu rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu. Đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu, vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ người dân.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các lực lượng thực thi, siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu. Những cá nhân tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm. Ban Chỉ đạo 389 các cấp cần được kiện toàn, sửa đổi quy chế hoạt động, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, quy mô rộng, đối tượng đa dạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, sức khỏe nhân dân và uy tín quốc gia.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số bộ ngành, địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, công tác tham mưu còn chung chung, không sát thực tiễn; quản lý lỏng lẻo; hệ thống văn bản pháp luật chậm được cập nhật; tổ chức thực hiện còn chồng chéo, thiếu phối hợp. Nhận thức của người dân về các thủ đoạn vi phạm vẫn hạn chế, trong khi công tác truyền thông chưa đầy đủ. Một số cá nhân trong lực lượng chức năng thậm chí có hành vi vi phạm, như trường hợp nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thủ tướng dự báo tình hình tiếp tục phức tạp và nhấn mạnh mục tiêu là đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và lưu thông hàng giả, vi phạm bản quyền, xuất xứ hàng hóa. Từ đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời huy động sức mạnh toàn dân. Công tác phòng, chống phải gắn với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn chính quyền địa phương, đảm bảo không chồng chéo chức năng, không bỏ sót trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Việc phòng chống buôn lậu, hàng giả cần đi liền với hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và khen thưởng kịp thời, khách quan.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu mở đợt cao điểm truy quét từ ngày 15/5 đến 15/6. Một tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng sẽ được thành lập. Tại địa phương, Chủ tịch UBND sẽ là trưởng tổ công tác, phối hợp với các ngành triển khai chiến dịch. Sau đợt cao điểm sẽ tiến hành sơ kết và có hướng chỉ đạo tiếp theo.