Bí thư Thanh Hóa yêu cầu cấp bách triển khai khắc phục hậu quả mưa bão
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa lớn gây thiệt hại về hoa màu, tài sản. Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị phải triển khai cấp bách công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
Ứng phó kịp thời với bão số 3
Trong 2 ngày 21-22/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 220 mm – 487 mm, nhiều khu vực trũng thấp, ven sông bị ngập sâu. Chính quyền các địa phương đã nhanh chóng sơ tán 524 hộ với hơn 2300 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm; Triển khai vận hành 49 trạm bơm tiêu úng để cứu lúa và hoa màu.
Mưa bão và dông lốc trước bão khiến 1 người bị thương, 251 nhà dân bị hư hỏng, gần 19.400 ha lúa, hoa mầu và cây ăn quả bị ngập, đổ gãy, hàng nghìn vật nuôi và nhiều héc ta nuôi trồng thuỷ sản bị nước cuốn trôi. Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, đê điều xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng (hệ thống đê điều xảy ra 4 sự cố lớn, 20 điểm sạt lở, ngập sâu tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ).

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại phường Sầm Sơn.
Thực hiện Công điện số 112 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương. Các lực lượng vũ trang, đoàn thể, doanh nghiệp được huy động tối đa để hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa, di tản người và di rời tài sản đến nơi an toàn, bảo vệ hồ đập, đê kè xung yếu. Công tác cứu trợ lương thực, thuốc men được kịp thời, không để người dân đói rét hoặc thiếu nơi ở an toàn.

Mưa lớn gây sạt lở đê tại xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu khắc phục hậu quả mưa bão
Với sự chủ động, thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc ứng phó, phòng, chống cơn bão số 3, góp phần giảm thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân. Bên cạnh đó việc ứng phó, phòng chống bão vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục để công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị cần triển khai ngay các công việc cấp bách nhằm khắc phục mưa bão, trong đó tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính về đảm bảo sức khoẻ, về khôi phục sản xuất nông nghiệp và phục hồi các công trình hạ tầng bị thiệt hại.
Theo đó, cần huy động tối đa các nguồn nhân lực từ các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân để chung tay, góp sức giúp đỡ các hộ gia đình sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường sau thiên tai. Hỗ trợ kinh phí khắc phục nhà ở bị thiệt hại, hư hỏng theo quy định. Các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác các thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trên cơ sở đó chủ động dùng nguồn lực của địa phương hỗ trợ ngay cho người dân để khôi phục sản xuất.
Tiếp tục vận hành các trạm bơn, cống tiêu và các hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Tiến hành dọn dẹp môi trường sau thiên tai, khử khuẩn, xử lý nước sinh hoạt, không để bùng phát dịch bệnh cho người và vật nuôi. Khắc phục ngay các sự cố hư hỏng trên tuyến đường giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đối với các ngầm tràn đang còn ngập sâu, tiếp tục tổ chức canh gác, kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cũng yêu cầu các cấp ủy, đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và các ngành chức năng cần tập trung rà soát bổ sung, hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố theo phương châm bốn tại chỗ, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, khu vực xung yếu có nguy cơ cao.
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, phải bám sát cơ sở để trực tiếp chỉ đạo những vấn đề phát sinh sau bão, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an, y tế, ngành nông nghiệp và các địa phương để tổ chức hiệp đồng, ứng cứu hiệu quả, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Cùng với đó, các ngành, các địa phương chủ động rà soát, đề xuất giải pháp, phương án nâng cao năng lực tiêu úng tại các đô thị, khu vực trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.